Trung Quốc (TQ) đang là “điểm ngắm” cho không ít bạn trẻ khi quyết định chọn đi du học. Với những “kinh nghiệm” của một lưu học sinh Việt Nam ở Đại học Bắc Kinh (BK), TRUNG TÂM sẽ giúp bạn giải đáp phần nào những vấn đề đặt ra xung quanh chuyện học tập và sinh sống ở nơi đây.
Những “điểm đến” cho du học Trung quốc
Nói riêng về chuyện du học Trung quốc, điều cần xem xét đầu tiên là kinh tế gia đình. Phải lựa chọn nơi “hợp túi tiền” mà chất lượng cũng chấp nhận được. Làm sao để biết chất lượng của trường đó như thế nào? Không đơn thuần dựa vào quảng cáo của chính họ mà cần tìm hiểu xem quá trình phát triển, môi trường xung quanh trường học…
Trong du học có 2 khái niệm: tự phí và công phí. Tự phí được hiểu là tự túc. Còn công phí được hiểu là học bổng. Nhưng thực chất du học sinh công phí ở TQ phải chia thành 2 loại khác: công phí của VN và công phí của TQ.
Như thế nào là công phí của VN? Tức do phía nhà nước, chính phủ VN đài thọ, cử đi. Ngoài chuyện được miễn phí các khoản như học phí, tiền trọ, mỗi tháng, các lưu học sinh (LHS) dạng này còn nhận trợ cấp của nhà trường TQ một khoản tiền. Bên cạnh đó, các bạn còn được đại sứ quán (ĐSQ) VN tại TQ “phát” cho một khoản tiền không nhỏ (hệ đại học là 100USD/tháng). Còn dạng 2, công phí TQ là phía TQ tài trợ. Học sinh dạng này được hưởng mọi quyền lợi như học sinh dạng 1, chỉ khác là không lãnh tiền trợ cấp từ ĐSQ.
Để được một suất học bổng dạng 2 thì phải trải qua kỳ thi HSK (như TOEFL), phải là thí sinh cao điểm nhất (thi tại VN và bài thi được gửi sang TQ chấm). Và một dạng khác là viết đơn xin thẳng nhà trường. Nhà trường sẽ xem xét bản lý lịch và thành tích học của mình để quyết địng nên hay không cấp một suất học bổng (dạng này rất khó và hiếm).
Ví dụ như muốn đến một trường học tốt, thì BK là sự lựa chọn số một. Đến đây học, các bạn có thể nghe được giọng chuẩn và có thể tạo một nền tảng vững chắc cho mình. Nhưng bên cạnh đó, học ở BK có một số điểm cần chú ý: Mức học phí và mức sống khá cao. Học phí cho hệ đại học xấp xỉ 3.000 USD/năm, tiền trọ trung bình khoảng 5USD/ngày (KTX của trường), tiền ăn cũng xấp xỉ 4USD/ngày.
Còn nếu chọn học tại các trường phía nam TQ, tiền ăn tiền ở tuy rẻ hơn không nhiều nhưng học phí thì chỉ bằng phân nửa. Và đương nhiên nếu chọn các trường phía nam, các bạn phải “hy sinh” một điều: bạn không thể nghe được giọng chuẩn.
Cuộc sống trên nước bạn
Khi biết mình sẽ được du học, tôi vui lắm! Do lần đầu đi xa, vượt khỏi biên giới VN, lại là du học chứ không phải là du lịch nên mọi thứ gần như phải đem hết. Hành lý nặng hơn 40kg, gồm: quần áo, sách vở, từ điển, máy tính xách tay, nhu yếu phẩm (bàn chải, kem…), cả giày dép nữa. Chủ yếu vẫn là sách vở.
Sang đây cái gì cũng mới từ quang cảnh đến môi trường học tập. Một phòng trong ký túc xá vừa đủ cho 2 người, mỗi phòng có 2 bàn học, 2 tủ, 1 tivi , 1 lò sưởi (bằng nước nóng) 2 giường và 2 bộ chăn gối (phòng 2 người). Toilet công cộng, mỗi tầng bố trí 1 khu vực tắm, giặt, nhà vệ sinh. Ở ngoài 2 ban công có bố trí dây “cáp” để SV phơi đồ nhưng chẳng mấy ai phơi vì…sợ mất. Đa số SV đều tự căng dây treo quần áo trong phòng (sau khi giặt).
Một vấn đề khác nữa là hành lý. Đối với các bạn học ngắn hạn (dưới 1 năm) hoặc dài hạn thì khi đi, hành lý càng gọn nhẹ càng tốt. Chỉ cần đem những nhu yếu phẩm như bàn chải, kem đánh răng, một ít sách vở và cả quần áo cũng không nên đem nhiều.
SV tại đây chia làm 3 loại:
- Loại một: dù là tự túc hay công phí đều biết xót đồng tiền, ăn ở tiết kiệm và chăm học hành.
- Loại hai: có tiền nhiều hơn, chi xài phóng khoáng hơn và cũng chịu học.
- Loại ba: như loại hai nhưng … không chịu học, “du” thì nhiều “học” ít. Đã có trường hợp 3 năm không vượt qua được năm thứ nhất, rồi cũng có trường hợp onine 24g/tuần tại quán net, nướng gần 3000 tệ (gần 6tr đồngVN).
Có một ranh giới nho nhỏ và khó phân biệt được giữa loại 2 và 3. Cả hai cũng có đến bar, vũ trường nhưng loại 2 ít hơn. Cũng “trang điểm” tận chân răng, tóc tai đủ kiểu, quần áo model như tài tử nhưng loại 2 đến lớp thường xuyên hơn.
Phải “sâu sát” với họ một thời gian mới hiểu được đâu là 2 và đâu là 3. Có lẽ giáo viên tại đây quý học sinh VN ở chỗ…ăn mặc khi lên lớp. Từ giản dị áo thun quần bò (nữ), áo sơ mi quần tây (“đóng thùng”) cho đến sặc sỡ như áo sơ mi trắng tinh, quần nhẵn bóng, giầy tây bóng lưỡng, đầu chải keo, đeo kính màu…
Dù thế nào thì vào cái mùa hè nóng chết người, bạn khó thấy được một học sinh VN nào mặc áo thun, quần soọc, dép lê lên lớp bao giờ.
Sang đây học, thiếu gì mua đó. Có một số bạn thích tự mình nấu ăn nên đem theo cả nước tương, nước mắm, chanh, gia vị… nhiều vô kể. Theo kinh nghiệm của bản thân thì tôi thấy không cần. Sang đây mua thiếu gì. Phải biết thích nghi với đời sống mới thôi.
Và cái quan trọng hơn hết là… “chọn bạn mà chơi”! Đầu tiên cần phải nói là dù học ở đâu thì mình cũng sẽ tiếp xúc với đủ loại người, tốt có, xấu có, vì thế cần biết chọn bạn mà chơi. Nói thế không có nghĩa gặp người không tốt thì “lành lùng” ra mặt. Điều này sẽ có hại đấy. Bạn cũng cần chào hỏi họ vài câu hay chỉ đơn giản là mỉm cười. Cũng từ chối khéo kéo những yêu cầu, rủ rê không chính đáng của họ.
Ở TQ, ít học sinh VN nào đi làm thêm, tôi cũng vậy. Tôi chon cách làm thêm là… cộng tác báo, dịch bài, viết tin. Nếu trình độ tiếng Anh khá thì có thể nghĩ đến việc dạy thêm. Mọi chi phí em đều dựa vào khoản trợ cấp của nhà trường, khoảng 1triệu rưỡi/tháng. Nhiều không? Không đâu, mức sống ở BK này cao lắm cái gì cũng đắt! Một học kỳ 4 tháng, tôi chỉ để dành khoảng 200.000 VND. Gia đình em có gửi một ít tiền để tôi phòng bất trắc nhưng tôi dùng số tiền đó để mua vé may bay.
Bên TQ vẫn chia ra thành 2 học kỳ và thời gian nhập học, nghỉ học gần giống với VN nên thi xong là về ăn Tết ta, thi thêm cái nữa là về nghỉ hè. Biết tiết kiệm tiền, có tiền thì đều đều 4 tháng về nhà một lần. Còn các bạn SV VN chỉ chọn kỳ nghỉ hè để đi du lịch, ít ai chọn kỳ nghỉ tết vì… nó rơi vào mùa đông, lạnh lắm!
Những điều nhỏ mà không nhỏ…
Trước khi đặt chân sang đây, bạn hãy ôn lại bài học lịch sử, địa lý Việt Nam đi. Hãy nắm vững diện tích VN là bao nhiêu, dân số, số dân tộc, quá trình hình thành đất nước VN, VN có những thế mạnh nào… và cả… bộ máy nhà nước VN gồm những ai. Để làm chi à?
Thứ nhất là để… “quảng cáo” đất nước mình với bạn bè năm châu. Thứ hai là chứng tỏ bạn am hiểu đất nước mình. Thứ 3 để nói cho họ biết VN là nước như thế nào. Họ là ai? Là bạn bè năm châu và …người TQ. Tôi tin chắc nếu không chuẩn bị tốt tinh thần, bạn sẽ bất ngờ với một số câu hỏi của một số người TQ (có cả học sinh sinh viên). Ngay như tôi đã từng được hỏi: “VN có…sân bay không?”. Chắc bạn không tin đâu nhưng hãy thử đặt chân sang đây, hỏi 100 người dân TQ (bất kể mọi thành phần) thì hết 99 người bó tay với câu hỏi : “Bạn biết gì về VN?”.
Có thể tóm tắt tình hình SV VN tại TQ những năm gần đây một câu: học giỏi nhất cũng là SV VN, quậy giỏi nhất cũng là SV VN